Tình hình khu vực mặt trận Chiến_dịch_Yelnya

Ngày 19 tháng 7 năm 1941, sư đoàn xe tăng 10 là đơn vị đột phá của quân đoàn xe tăng 46 thuộc tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức) do tướng Heinz Guderian chỉ huy đã đột nhập vào Yelnya, nhưng không thể tiến xa hơn như kế hoạch, đã phải dừng lại trước cửa ngõ Spas-Demensk và buộc phải chuyển sang phòng ngự. Do bị thiệt hại đáng kể trong Chiến dịch Smolensk, Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức Quốc xã phải ra Chỉ thị số 33 ngày 19 tháng 7 năm 1941 tạm hoãn cuộc tấn công vào Moskva trong hành tiến để bố trí lại lực lượng. Các đơn vị xe tăng được lệnh di chuyển đến các khu vực khác của mặt trận. Tập đoàn quân xe tăng 2 của tướng Guderian vòng xuống phía Nam; tập đoàn quân xe tăng 3 của tướng Hermann Hoth vòng lên phía bắc. Ở giữa trận tuyến của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) chỉ còn lại các đơn vị bộ binh cơ giới.

Tại khu vực này đã hình thành cái gọi là "chỗ lồi" Yelnya, một căn cứ bàn đạp nguy hiểm của quân đội Đức Quốc xã, uy hiếp tuyến phòng thủ của quân đội Liên Xô và đe dọa bên sườn cánh quân chủ lực của Phương diện quân Dự bị (Liên Xô) tại Vyazma. Trong tháng 7 và đầu tháng 8, tập đoàn quân 24 (Liên Xô) đã vài lần cố gắng để cắt đứt "chỗ lồi" đó và nắn thẳng tuyến mặt trận nhưng không thành công. Theo Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức Quốc xã, tướng Franz Halder, cuộc chiến đấu trong khu vực Yelnya đã trở thành một ví dụ điển hình của dạng "chiến tranh hầm hào". Bộ tư lệnh Đức đã có thể rút các sư đoàn xe tăng ra khỏi chỗ lồi Yelnya và thay vào đó là các sư đoàn bộ binh.

Sau khi nhiều lần không thành công trong việc xóa "chỗ lồi Yelnya" của quân Đức, ngày 11 tháng 8 năm 1941, Tư lệnh phương diện quân Dự bị G. K. Zhukov đã ra lệnh cho thiếu tướng K. I. Rakutin chấm dứt các cuộc tấn công vỗ mặt và bắt tay vào việc chuẩn bị kỹ hơn để tổ chức một cuộc tấn công mới.[6]